1.Cháo lươn Vinh
Cháo lươn ở đây không xào thịt lươn đến săn khô như ngoài Hà Nội mà miếng lươn được để nguyên, nấu chín sẽ mềm, thơm, ngọt, thấm đượm vị cay của hành, tiêu, muối, ớt và vàng sánh của nghệ. Thường được rắc thêm chút hành tăm trông rất ngon mắt và khi ăn sẽ rất ngon miệng.
2. Bánh đa xúc hến
Là một món nhậu quen thuộc của người dân xứ Nghệ mỗi lần tụ tập. Hến dùng kèm là hến được đãi sạch từ sông Lam, chọn những con to, béo rồi xào cùng mỡ. Khi ăn người ta bẻ từng miếng bánh đã Đô Lương, biến nó thành chiếc thìa và nhẩn nha xúc từng con hến cho vào miệng.
3. Mực nháy nướng Cửa Lò
Cái tên mực nháy nướng ở đây dùng để nói đến những con mực “nhảy” lên mặt biển, sau đó được ngư dân đánh bắt lên bờ, lúc đó còn nguyên độ tươi sẽ được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay lập tức. Mực ở đây tươi ngon, khi nướng chín sẽ vàng rụm và thơm mùi gia vị tẩm ướp.
4. Bánh bèo Vinh
Bánh bèo Vinh được làm từ bột lọc, người ta phải nhào bột rất nhiều lần cho kỹ mới có được một mẻ bánh ngon. Để bánh trông đẹp mắt người ta thường nặn bánh cho giống cánh bèo. Nhân bánh là tôm non được xào với hành mỡ, đĩa bánh thường được cho thêm hành khô và một ít rau mùi.
5. Bánh mướt
Thường bị nhầm lẫn với bánh cuốn ngoài Bắc vì vẻ bề ngoài, thế nhưng bánh mướt Nghệ An lại có một hương vị rất riêng. Nguyên liệu chính để làm bánh mướt là gạo tẻ, đem xay nhuyễn thành bột, ngâm trước khi đem lên tráng. Bánh có thể ăn kèm với thịt nướng, chả lụa, nước chấm bánh có vị chua ngọt của đường và chanh.
6. Tương Nam Đàn
Tương Nam Đàn là một trong những đặc sản được du khách tới đây mua về làm quà nhiều nhất. Phải mất gần hai tháng, qua nhiều công đoạn công phu tỉ mỉ với những nguyên liệu hoàn toàn lấy từ thiên nhiên như: đậu nành, nếp, muối không iot và nước. Đậu nành hạt phải đều, chắc mẩy, khi được rang chín sẽ để nguội, sau đó xay vỡ đôi, vỡ ba chứ không được xay nát, sảy bỏ vỏ, cho vào nồi nấu hơn 24h rồi múc vào chum ủ trong bảy ngày.
7. Nhút Thanh Chương
Người dân bản xứ nơi có câu “Nhút Thanh Chương – Tương Nam Đàn” để chỉ chính danh đặc sản nào đi với miền đất đó. Nhút Thanh Chương được làm từ quả mít non muối, nộm với thịt ba chỉ luộc thái chỉ. Món Nhút vắt khô, chấm nước Chẹo (nước tương gồm lạc rang giã nhỏ, thêm ớt, tỏi và đường), ăn kèm với rau kinh giới rất tuyệt.
8. Bánh đa vừng
Bánh đa vừng là một đặc sản giòn ngon nổi tiếng. Vì được quyện với rất nhiều vừng đen nên ăn rất thơm, rất bùi và bổ dưỡng. Mỗi chiếc bánh còn có vị cay nồng của tiêu và tỏi, gia vị đậm đà rất khó để quên.
9. Khoai xéo
Là một món ăn dân dã lâu đời, gắn liền với cuộc sống từ những tháng ngày khó khan nghèo khổ. Sau khi thu hoạch, người ta chọn những củ khoai ngon, nhiều bột nhất đem rửa sạch, sau đó cắt lát mỏng, phơi khô rồi đem dùng dần.
Khi chế biến, người ta đun hạt đậu trắng và hạt đậu phộng cho mềm, sau đó đổ khoai khô vào đun sôi, có thể cho thêm gạo nếp để tang độ dẻo. Đun cho tới khi cạn nước, cho thêm đường rồi bắc nồi xuống, sau đó tới công đoạn quan trọng nhất là xéo khoai. Xéo khoai phải nghệ thuật, phải thật nhuyễn, thật nát thì hương vị mới quyện đều vào nhau.
10. Mọc cua bể
Mọc cua bể là món ăn được chế biến khá tỉ mỉ và cầu kì ngay từ khâu gỡ thịt, ướp gia vị cho đến khi chế biến. Mọc cua bể chính danh phải cắm chân cua đã luộc chín vào mai giống như cua đang sống. Mùi vị thơm béo của cua quyện lẫn với hương vị của hành và gia vị đậm đà khiến ai cũng muốn thưởng thức.
11. Cháo nghêu
Là một trong những món cháo nổi tiếng khi nhắc đến ẩm thực Nghệ An, đây là món ăn thực sự thú vị của Cửa Lò. Nghêu được làm sạch, băm nhỏ, phi với mắm hành thơm ngon. Sau đó được trộn vào cháo, ăn kèm với cả hành lá và hành khô. Một món ăn thực sự rất bổ dưỡng và thanh nhã.
12. Mực trộn tép bưởi
Mực ở Nghệ An được chế biến theo rất nhiều cách khác nhau, trong đó mực trộn tép bưởi là món ăn thú vị nhất. Bưởi nhồi trong mực phải là loại bưởi ngon, chắc tép, sau khi được tẩm ướp sẽ được cho vào thân trong và nướng cùng mực tươi.
13. Cháo canh
Với tên gọi lạ lẫm, chắc chắn du khách sẽ muốn được thưởng thức một lần món cháo này. Nguyên liệu chính để làm món này là bột mỳ, sau khi nhào thật nhuyễn sẽ cán thành bột và cắt thành những sợi nhỏ tròn. Nước dùng để chan được ninh từ xương và sau đó thêm một ít tí tô, hành khô và thịt bằm trộn đều.
14. Bánh ngào
Gần giống với bánh trôi, nhưng khác ở chỗ nước dùng để chan sệt sệt và ngọt của vị mật. Có thể cho thêm chút gừng và vừng để cảm nhận được thêm chút vị thơm, cay hòa quyện.
15. Cá giò
Cá giò là một “đặc sản mới nổi” trong những năm gần đây. Cá giò có thể được chế biến thành 7 món khác nhau vô cùng hấp dẫn như gỏi, cá hấp sả, lẩu, cháo, vây cá rán hay da cá chiên giòn, chấm với nước mắm tỏi giòn mê ly.