Cuối tháng 4/2021, khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc thì 2/4 chiếc xe khách của Công ty TNHH Vận tải Thương mại Dũng Thu (TP Hà Tĩnh) “đắp chiếu” tại nhà.
2 chiếc xe còn lại được duy trì hoạt động nhưng cũng rơi vào tình trạng phải “bù lỗ” vì không có khách.
Có những chuyến, nhà xe Dũng Thu (tuyến Hà Tĩnh - Việt Trì, Phú Thọ) chỉ có 2 khách.
Anh Đặng Đình Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Dũng Thu cho biết: “Xe chúng tôi chạy tuyến Hà Tĩnh – Phú Thọ. Đợt dịch vừa rồi chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc nên nhà xe bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Có những chuyến chỉ có vài ba khách, chuyến nhiều nhất được khoảng chục người. Trong khi đó, mỗi chuyến mất khoảng 4 triệu đồng chi phí nhiên liệu, chưa kể tiền lương thuê nhân viên, phí vào bến… Hoạt động thua lỗ nhưng công ty vẫn phải cầm cự để giữ khách, giữ lốt vào bến”.
Công ty TNHH Vận tải Thương mại Dũng Thu rao bán 2 chiếc xe khách để giảm áp lực kinh doanh.
Không có khách, doanh thu giảm sút, nhà xe còn phải đối mặt với áp lực trả nợ ngân hàng. Theo đó, Công ty TNHH Vận tải Thương mại Dũng Thu phải trả khoảng 120 triệu đồng/tháng cả gốc và lãi. Để giảm bớt áp lực, công ty đang rao bán 2 chiếc xe khách nhưng vẫn chưa có người hỏi mua.
“Doanh nghiệp vận tải là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm liên tiếp diễn ra dịch Covid-19. Công ty hiện vay của 3 ngân hàng thì chỉ có 1 ngân hàng được giãn thời gian trả nợ. Nếu dịch bệnh cứ kéo dài thì không biết có trụ được nữa hay không”- ông Đặng Đình Dũng cho hay.
Xe buýt của Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh nằm la liệt trong sân vì không hoạt động do dịch Covid-19.
Cũng đối mặt với khó khăn nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh hiện nay chỉ duy trì 10 xe buýt chạy tuyến Kỳ Anh – TP Hà Tĩnh. Còn lại 7 xe khách chạy tuyến đường dài (Hà Tĩnh – Hà Nội) và 93 xe chạy các tuyến khác đang tạm dừng hoạt động.
Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh Trần Văn Sỹ chia sẻ: “TP Hà Tĩnh - TX Kỳ Anh chủ yếu phục vụ công nhân làm việc tại Formosa Hà Tĩnh, nếu chúng tôi không hoạt động cũng gây khó khăn về đi lại cho họ. Nếu như chưa có dịch, bình quân một xe sẽ thu về 2 triệu đồng/ngày nhưng hiện nay chỉ thu được dưới 1 triệu đồng. Thậm chí có chuyến từ 3 - 5 khách, thu về chỉ được 150 nghìn đồng”.
Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh duy trì 10 xe chạy tuyến TP Hà Tĩnh - TX Kỳ Anh trong tình trạng bù lỗ
Để tạo việc làm cho lao động trên cơ sở đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19, Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh bố trí công nhân làm việc theo nhóm. Tuy nhiên, với 380 lao động, công ty không thể bố trí hết và nhiều người buộc phải nghỉ việc ở nhà để chia sẻ khó khăn với DN.
Còn tại Công ty TNHH MTV Mai Linh, tình hình kinh doanh cũng muôn phần khó khăn. Hiện nay, công ty chỉ duy trì hoạt động 40 xe trên tổng số 200 xe. “Trước dịch Covid-19, doanh thu 1 ngày của công ty khoảng 50 triệu đồng nhưng giờ chỉ đạt khoảng 2 – 3 triệu đồng. Lượng khách giảm sút trong khi để duy trì hoạt động vẫn phải chi phí nhiều khoản nên chúng tôi gặp muôn phần khó khăn” – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Lê Thế Hiền cho biết.
Công ty Mai Linh thường xuyên phun khử khuẩn xe để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 15 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định với tổng số 196 xe nhưng hiện chỉ có 32 phương tiện đang hoạt động; 11 đơn vị kinh doanh tắc xi với 717 xe nhưng hiện chỉ có khoảng 30% phương tiện hoạt động; 2 đơn vị kinh doanh xe buýt với 128 xe nhưng hiện chỉ có gần 11% phương tiện hoạt động.
Thời gian qua, ngành GTVT Hà Tĩnh cũng đã điều hành linh hoạt, kịp thời các phương án hoạt động vận tải phù hợp với tình hình chống dịch Covid-19 để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, ngành còn giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp như: thủ tục xác nhận xe miễn phí đường bộ, dừng nghỉ khai thác tuyến, ngừng hoạt động phương tiện vận tải do dịch Covid-19…
Không có khách, phương tiện vận tải sắp hàng dài tại Bến xe Hà Tĩnh
Doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung đang cực kỳ khó khăn, thu không đủ chi. Nếu Chính phủ không kịp thời có những giải pháp phù hợp, căn cơ thì chắc chắn những doanh nghiệp này sẽ đứng bên bờ vực phá sản, kéo theo rất đông lao động bị mất việc.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hi vọng đây sẽ là “liều thuốc” để cứu các doanh nghiệp đang lao đao do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Việt Thắng – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh