Nhưng với bản lĩnh của người đàn ông “Đất Võ” cộng với sự nhạy bén trong kinh doanh giờ đây Đoàn Nguyên Đức lại một lần nữa quay lại thương trường và chọn nông nghiệp làm lĩnh vực kinh doanh chính.
Tiền nhiều đã có lúc muốn mua câu lạc bộ Arsenal
"Đoàn Nguyên Đức là một doanh nhân lạ và đặc biệt trong các doanh nhân Việt Nam” ông Phan Đình Tuệ – Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM nhận xét về Bầu Đức như vậy trong cuộc gặp mặt doanh nhân Nghệ Tĩnh ngày 10/10/2020. Ông đặc biệt không chỉ ở cách xây nên Hoàng Anh Gia Lai, ông đặc biệt là bởi doanh nghiệp đầu tiên có chuyên cơ riêng, ông đặc biệt bởi là doanh nhân thi đại học ba lần đều trượt nhưng vẫn làm nên sự nghiệp lớn. Ông đặc biệt ở chỗ rơi từ đỉnh cao danh vọng xuống tận đáy rất sâu của cuộc sống. Và càng đặc biệt hơn khi ông không cam chịu, đầu hàng sự thất bại mà vươn lên mạnh mẽ, trở lại với lĩnh vực bền vững là nông nghiệp.
Sự tính toán nhanh nhạy đầu tiên của ông chính là cuộc tháo chạy nhanh khỏi thị trường bất động sản, thời điểm cơn khủng hoảng lần thứ nhất 2008 – 2009 của thị trường BĐS, ông là người rút chân nhanh nhất và đã thành công. Thời đó bao người nhận xét ông là hèn nhát, khi thị trường ngon ăn thì nhảy vô nhưng khi thị trường đóng băng thì tháo chạy.
Cũng phải thôi vì HAGL những năm 2004 – 2008 là số 1 tại thị trường BĐS Việt Nam, nhưng ông thì luôn tỉnh táo và nhìn nhận tại sao một lĩnh vực gì có thể có lợi nhuận siêu khủng như vậy? Tại sao giá thành xây dựng 1m2 có khoảng 7 triệu đồng nhưng bán lên 30.000.000 đồng/m2 mà vẫn có người mua, thậm chí tranh nhau mua, người ta có thể xếp hàng cả đêm, hoặc lấy viên gạch đặt thay chỗ của mình sau đó bán xuất đó cho người khác cũng có thể kiếm 300 triệu đồng.
Có những thời điểm HAGL mở bán dự án ba máy đếm tiền cháy luôn vì chạy suốt ngày đêm. Có những lúc bán hết 3000 căn trong một thời gian ngắn. "Hồi đó tiền nhiều đến nỗi tôi muốn mua Câu lạc bộ Arsenal, tôi đã đàm phán rồi nhưng Chính phủ không đồng ý vì chưa có luật đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Nên tôi phải ngưng cuộc chơi đó. Nếu được chấp thuận thì giờ đây tôi lời to rồi”, ông hào hứng nhớ lại
Ông chia sẻ, tôi là người có công phát triển thị trường BĐS rất lớn thậm chí là làm ra đến đâu bán hết đến đó, nhưng nhìn thị trường phát triển như vậy tôi nghĩ là có vấn đề, vì nó đang phát triển quá nóng, quá vô lý. Không thể chấp nhận một thị trường làm 1 đồng bán 4 đồng, chả bao giờ sự vô lý tồn tại mãi mãi.
Và đúng như rằng năm 2008 thị trường bắt đầu đóng băng và Bầu Đức có một cách làm không giống bất kỳ ai. Liền hạ giá xuống từ 2.400USD/m2 xuống 1.100USD/m2 (giá này vẫn còn lời – lời ông nói) cả thị trường chao đảo và họ lao vào mua hết. Tất cả 3.000 căn hộ được bán sạch trong năm 2008 nhưng sau đó 2012 – 2013 đã có nhiều nhà đầu tư "mắc cạn” vì "rút chân” ra không kịp đã phải ngậm quả đắng.
Cũng theo sự dự đoán của ông thì thị trường bất động sản Việt Nam phát triển không bình thường như vậy sẽ rủi ro rất cao nên năm 2012 ông đã bán tất cả các quỹ đất mà ông có trong tay (là doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhất thị trường lúc đó) như dọc sông Hàn – TP.Đà Nẵng, tại TP.HCM… Ông tính toán cho một cuộc chơi khác: Chơi lớn và liều.
Người tính không bằng trời tính
Và vẫn trong men say chiến thắng Đoàn Nguyên Đức chuyển dịch tất cả tài chính sang đầu tư tại Myanma, Lào, Campuchia để đầu tư vào bất động sản, hạ tầng và cây công nghiệp – đó là cao su.
Tại Lào tôi đầu tư 1 tỷ USD, Myanma đầu tư 440 triệu USD, Campuchia mấy trăm triệu USD. Đến giờ này các bạn có quyền tự hào về Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất tại Lào, tôi xây 2 sân bay, 1 làng Seagames tại đây. Xây nhà máy sử dụng đến 2.000 lao động trong đó 30% là người Việt.
Trong những năm 2009 trong những chuyến đi, về qua Lào, cộng với thị trường cao su thế giới tăng cao nên ông quyết đầu tư mạnh vào cao su, ông dốc hết vốn liếng mua 100.000ha cao su tại Lào, Campuchia giá cao su những năm 2010 – 2014 rất được giá có những lúc lên đến 5.200USD/tấn. Chỉ làm một phép tính đơn giản, tôi có thể lời 500 triệu USD/năm. Nhưng trong làm ăn không ai tính được chữ ngờ, ông chua xót nhìn lại câu chuyện thất bại mình đã đi qua.
Sau đó thì giá cao su rớt theo chiều thẳng đứng, rớt rất lâu và rất sâu từ 5.000 USD/tấn xuống 3.000USD/tấn – 2.000USD/tấn và 1.100USD/tấn đến giờ vẫn chưa tăng trở lại.
Chỉ vì liều và chơi tất tay và tham (ông tự nhận) nên bỏ tất cả trứng trong một giỏ. Đó là một bài học lớn cho mình và cho mọi người. Nếu ngày ấy tôi đủ tỉnh táo, bớt tham, chia nhiều khoản đầu tư thì doanh nghiệp không thể rơi vào tình trạng mất tính thanh khoản. Làm gì thì làm nhưng tuyệt đối đừng để "khô máu” ông khuyên mọi người.
Năm 2016, HAGL lại gây chấn động một lần nữa nhưng lần này là tin xấu bởi một doanh nghiệp đang lừng lẫy có vốn hóa trên thị trường hàng nghìn tỷ đồng lại có thể mất thanh khoản – nợ 22.000 tỷ đồng. "Nếu so với tổng tài sản 52.000 tỷ đồng thì số nợ đó không lớn nhưng rất nguy hiểm là chúng tôi mất tính thanh khoản”, ông Đức cho biết. Rất may là Chính phủ đứng ra bảo lãnh và có các công ty lớn như Trường Hải nhảy vào trợ vốn.
Ngã ở đâu đứng lên ở đó
Sau này nhìn lại ván bài mà ông đặt cược, ông đau, chấp nhận thua, chấp nhận thất bại để nhìn sâu vào chính những vấp váp đó mà đứng lên. Mặc những dèm pha, khinh miệt của mọi người, ông kiên trì, bền gan và từng bước tiến lên. Ông quyết tâm ngã ở đâu thì đứng lên ở đó – tôi chết vì cây cao su giờ nhờ chuối mà tôi phục hồi, chết vì nông nghiệp nên quyết chọn nông nghiệp làm hướng đi chủ đạo của HAGL.
Cái may lớn nhất của ông là được Chính phủ tin tưởng đứng ra bảo lãnh, cho tái cấu trúc, khoanh nợ. Có nhiều đối tác nhảy vào mua nợ trong đó có Công ty Trường Hải bơm 20.000 tỷ đồng đổi lấy 40.000ha đất. Ông thoái vốn ở những hạng mục không quan trọng, nhằm khoanh nợ, bán tòa nhà ở Myanma thu hồi 8.000 tỷ đồng. Xoay vốn lấy 28.000 tỷ đồng này đồng tư vào chuối, bỏ cây cao su sang trồng chuối, xoài, thanh long…
Trồng chuối thì ai cũng trồng được nhưng để xuất khẩu thì không phải ai cũng làm được và không chỉ xuất nhỏ, HAGL giờ xuất 50 container/ngày, bất chấp dịch Covid – 19 vẫn thu ngoại tệ về đều đều, ông Đức nói.
Đến giờ này tôi thật lòng cảm ơn Chính Phủ và anh Nguyễn Bá Dương rất nhiều. Tôi là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được Chính phủ đứng ra bảo lãnh, tái cấu trúc, nếu không ngày ấy HAGL phá sản vì bị ngân hàng phát mãi.
Trong cuộc gặp mặt, giao lưu với Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh ông tự tin tuyên bố: "Đến giờ này HAGL chính thức thoát”.
Để nói được câu nói đó đối với ông quả là không dễ dàng gì trong suốt 5 năm qua. Người trải qua hết cái cảm giác ở trên đỉnh của đỉnh – tự hào là người đầu tiên mua máy bay riêng, thuê người lái máy bay thật đặc biệt là ông Nguyễn Thành Trung, làm bao điều có ý nghĩa khác về bóng đá, về đầu tư… rồi rơi xuống đáy của vực sâu, ông là người thấu hiểu mọi cảm giác đó nhất. Phải là người bản lĩnh lắm mới nói được câu đó.
Tại sao lại nói thật, cà phê thật?
"Cà phê ông Bầu” – Cuộc chơi mới này cũng không phải là hạng mục chính của HAGL vì chỉ có 25% cổ phẩn. Nhưng ông suy nghĩ tại sao Việt Nam thủ phủ xuất khẩu cà phê mà người tiêu dùng Việt Nam phải dùng cà phê giả. Nên những ông Bầu (bầu Thắng – Đồng Tâm, Bầu Hải -Nutifood) đã quyết tâm đưa ra một sản phẩm thật và cam kết với người tiêu dùng rằng nếu đi kiểm tra cà phê của ông Bầu không phải cà phê nguyên chất chúng tôi sẵn sàng đền tiền cho khách hàng.
Chính những điều tưởng đơn giản này lại minh chứng cho những người làm doanh nghiệp chân chính, cống hiến những điều đẹp nhất cho cuộc sống này. Sống thật hơn nữa cũng là cách hưởng thụ.