Theo đó, tác phẩm An Phúc có một thân chính phân thành 3 ngọn cân xứng tỷ lệ hài hoà. Giữa phần tay tán và bệ rễ là một khoảng trống thân rất đẹp được tạo bởi một thân chính và xung quanh một phần rễ bệt biến thành thân. Chính điều này làm cho thân cây không được đơn điệu, mà có nhiều thành vách mang nét cổ quái với nhiều điểm lõm vào, lồi ra, tạo nên sự già cỗi, xù xì. Thân cây có sự mềm mại bằng những điểm uốn chuyển tạo được dấu ấn thời gian và chiều sâu của tác phẩm.
Rễ cây xù xì, nổi bệ với một số rễ chính to trồi hẳn lên mặt đất tạo sự gồ ghề, huyền bí. Tay tán phân tầng nhiều mức khác nhau. Mỗi tầng có nhiều tay cùng mức và phân tán ra thành nhiều hướng tạo sự phong sương, dày dạn, trải nghiệm, trông giống một cây cố thụ đích thực. Để thêm phần sinh động và hình tượng cho tác phẩm, chủ nhân trang trí thêm những tiểu cảnh đi kèm như mái đình, bến nước, ghe thuyền, đàn trâu...trông rất thơ mộng.
Điểm nhấn thu hút của tác phẩm là những điểm uốn chuyển đột ngột của các tay tán này theo phương ngang và hướng thẳng đứng. Đặc biệt ngọn cây là điểm tổng hoà với các tán tạo thành khối tổng thể.
Nhìn xa tác phẩm tạo thành một lùm, phân tấng không rõ ràng. Nếu nhìn gần thì các chi, dăm, tay cành phân phối đều đặn hài hòa tạo nên cảm giác gần gũi, ấm cúng và bề thế.
Chia sẻ về tác phẩm An Phúc, nghệ nhân Nguyễn Thị Hiện cho biết, trong nghệ thuật bonsai thế giới, chơi cây cảnh người ta dựa trên 4 dáng cơ bản: hoành, huyền, trực, xiêu. Từ các dáng đó cha ông ta đã cải tiến và sáng tạo ra rất nhiều thế cây phong phú mang một chủ đề nghệ thuật nào đó đậm chất lãng tử, đậm chất thơ và nhân văn. Trong các dáng thế đó, thì cây dáng làng chất chứa hồn quê, cực kỳ gần gũi thân thuộc, mang đến vẻ bình yên rất được yêu thích.
“Tác phẩm cây cảnh nghệ thuật An Phúc là loại dáng mô phỏng bóng dáng của cây đa đầu làng khu vực đồng bằng Bắc bộ . Cây mang nét đẹp thanh bình, yên ả của làng quê Việt Nam, rất gần với hình ảnh cây đa giếng nước sân đình. Với bề ngoài gân guốc, mạnh mẽ, vững chãi, cây đa kinh qua bao biến cố, sấm sét, gió mưa bão bùng vẫn xanh tốt, hiên ngang, bất chấp mọi phong ba bão táp...”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hiện cho biết.
Về tổng thể, tác phẩm An Phúc mang nét đẹp tự nhiên và yên bình. Tác phẩm gợi nhớ một thời ấu thơ chăn trâu cắt cỏ, chơi đùa với chúng bạn dưới cây đa mát làng giữa mùa hè oi ả.
Nói về tên tác phẩm An Phúc, chủ nhân cho biết Phúc là hạnh nguyện đứng đầu trong ngũ phúc (Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh) với ý nghĩa may mắn, phúc phận tốt lành, người có phúc là người luôn có quý nhân phù trợ và được tổ tiên độ trì. Trong cuộc sống, những người này luôn gặp được may mắn, hóa nguy thành an.
Với những ý nghĩa đó, mới đây, nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã đề tặng 4 câu thơ tứ tuyệt dành cho tác phẩm độc đáo này:
Ba ngọn kề nhau cây cảnh vàng
An Phúc là tên dáng quý sang
Như một miền quê hình dáng đẹp
Nhà ai có được Phúc trường Khang!
Dưới đây là một số hình ảnh của NSƯT Hương Giang bên tác phẩm An Phúc:
Hằng Nga
Link nội dung: https://thuonghieuvasacdep.vn/cay-sanh-an-phuc-mot-sieu-pham-dang-lang-cua-nghe-nhan-nguyen-thi-hien-a826.html