Món quà quê dân dã sản phẩm OCOP

Chè kho Đại Đồng là món quà quê, dân dã, thơm ngon nức tiếng. Món bánh đặc sản này đã được lớp lớp các thế hệ người dân xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất gìn giữ. Ngày nay, nhiều người con của quê hương Đại Đồng đã đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ nâng tầm sản phẩm Chè kho Đại Đồng.

b1-1702742609.jpg

Bánh Chè kho Đại Đồng được làm từ đỗ xanh và đường, nay có diện mạo mới, hiện đại hơn, sang trọng hơn

Hiện nay, một số cơ sở sản xuất ở xã Đại Đồng như Bằng An, Dạ Thảo đã cho ra thị trường sản phẩm Bánh chè kho Đại Đồng với hình thức mới mẻ, bắt mắt; vừa kết hợp được tinh hoa cổ truyền, vừa mang dáng dấp thời đại. Bánh có trọng lượng nhỏ hơn, mặt bánh có hình hoa sen, trúc, khi ăn có vị ngọt, độ đường vừa phải, thơm hương đỗ xanh. Bánh được đựng trong khay nhựa nhỏ xinh xắn, sau đó được bọc bằng túi nilon nhỏ. Hộp bánh được thiết kế hiện đại, đẹp mắt, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

b2-1702742717.jpg

Ông Kiều Cao Quyến -  Cơ sở Sản xuất Chè kho Dạ Thảo luôn trăn trở muốn phát triển nghề làm bánh Chè kho. Theo ông, sản phẩm bánh Chè kho hoàn toàn có thể cạnh tranh với lại các sản phẩm truyền thống khác

Ông Kiều Cao Quyến - Cơ sở Sản xuất Chè kho Dạ Thảo cho biết: Món Chè kho Đại Đồng đặc biệt từ chính cái tên của nó, không phải đồ, nấu, mà là kho. Theo kinh nghiệm các cụ để lại, bánh Chè kho đạt chuẩn là phải được lửa. Bánh được kho đến khi nào lấy đũa vạch ngang nồi, tạo thành một vạch thẳng ngăn cách rõ ràng, không bị vữa, chảy mới được. Hiện nay, nhiều công đoạn trong làm bánh Chè kho thủ công đã được thay thế bằng máy. Sản phẩm cũng được thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như giảm độ ngọt, bánh được làm từ các khuôn nhỏ nên có trọng lượng nhỏ hơn, bao bì đẹp hơn, sang trọng hơn.

b3-1702742806.jpg

Chị Kiều Thị Thu Hà - Cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Bằng An đã đầu tư cơ sở sản xuất, máy móc hiện đại, chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế

Tại Cơ sở Sản xuất Bánh kẹo truyền thống Bằng An, bánh Chè kho được sản xuất trong khu vực khép kín, một chiều, theo tiêu chuẩn ISO 22.000:2018. Chị Kiều Thị Thu Hà - thành viên sáng lập cơ sở Bằng An chia sẻ. Do sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh Chè kho, được ăn bánh từ nhỏ nên tôi thấy yêu và muốn làm một cái gì đó để đưa sản phẩm quê nhà đi xa hơn. Chính vì thế, tôi và anh chị em trong gia đình đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, ứng dụng máy móc vào sản xuất, đưa ra quy trình sản xuất chuẩn từ nguồn nguyên liệu đến khâu đóng gói, đảm bảo sản phẩm đạt an toàn thực phẩm, vừa giữ được hương vị truyền thống, vừa đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.

b4-1702742963.jpg

Bà Hoàng Thị Chinh, thôn II, xã Đại Đồng - mẹ của chị Kiều Thị Thu Hà mong muốn các con, cháu được sinh ra, lớn lên, gắn bó với món chè kho vì thế phải tập trung chí tuệ để gìn giữ và phát triển nghề làm Chè kho Đại Đồng

Nói về xu hướng tiêu dùng mới, Chị Kiều Thị Thu Hà cho biết thêm, người tiêu dùng hiện nay thường ít ăn đồ ngọt, chú trọng ATTP, giới trẻ, giới văn phòng có phong cách ăn thưởng thức, “ăn chơi”, ăn ít hơn nên bánh cũng ít đường hơn; bánh nhỏ vừa ngon miệng, vừa ngon mắt. Ngoài phục vụ theo cách truyền thống như làm quà biếu, đồ lễ, chúng tôi đã đưa sản phẩm vào các phòng trà, khu du lịch. Thời gian qua, tín hiệu của thị trường rất tích cực.

b5-1702743025.jpg

Bà Kiều Thị Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Đồng phấn khởi vì nhiều chị, em phụ nữ trẻ trong xã đã dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư để giữ gìn và phát triển nghề làm bánh Chè kho.

Bà Kiều Thị Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Đồng vui mừng chia sẻ: Tôi rất phấn khởi vì các hộ đã duy trì, phát triển được sản phẩm truyền thống của cha ông để lại. Đáng mừng hơn vì lớp những người trẻ tuổi ở địa phương, nhất là các chị em phụ nữ trẻ đã dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, đổi mới công nghệ để làm mới sản phẩm Chè kho Đại Đồng. Nhờ đó, hoạt động sản xuất Chè kho đã phát triển hơn, sản phẩm Chè kho đi xa hơn cả trong và ngoài nước.

Được biết, trung tuần tháng 10/2023 vừa qua, UBND huyện Thạch Thất đã tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Toàn huyện có 28 sản phẩm của 11 chủ thể ở các xã: Đồng Trúc, Đại Đồng, Hạ Bằng, Thạch Xá, Hương Ngải, Yên Bình; trong đó có 20 sản phẩm đánh giá mới và 8 sản phẩm đánh giá lại. Các sản phẩm đánh giá, phân hạng gồm các sản phẩm sinh vật cảnh, rau các loại, khoai tây, trứng gà, gạo, chè kho, chè lam và kẹo lạc. Qua chấm điểm đánh giá, phân hạng có 7 sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao và 21 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, sản phẩm bánh Chè kho của Cơ sở Dạ Thảo đạt OCOP 3 sao. Bánh Chè kho của cơ sở Bằng An đạt tiềm năng 4 sao.

---
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội

MT

Link nội dung: https://thuonghieuvasacdep.vn/mon-qua-que-dan-da-san-pham-ocop-a800.html